Logo

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ

20 điều giáo viên cần ghi nhớ

Để dạy tốt GV cần phải học, và tiếp tục học hoài để tích lũy kiến thức. GV phải có một quá trình chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho một tiết dạy, không được hời hợt chủ quan.

Dạy tốt phải  dạy dễ hiểu, rõ ràng, rành mạch, có trật tự, làm cho học sinh (HS) hứng thú, chăm chú nghe giảng một cách tập trung.

GV phải có một vốn kiến thức sâu rộng về bộ môn mình đảm trách, để có thể “lớn hơn HS một cái đầu” và “để biết mười mà dạy một”.

Nắm vững các phương pháp. Ta thường nói “nội dung nào phương pháp ấy”

Phân phối thời gian hợp lý. Xác định cho được đâu là nội dung trọng tâm của bài, để dành thời gian thích đáng. Có như vậy mới tránh được miên man sa đà vào những phần “râu ria”.

Phải quan tâm đến đối tượng HS mà ta giảng dạy. Có em hay lơ đãng, thiếu tập trung, có em tiếp thu chậm, có em “ngồi nhầm lớp”… Vì vậy, với một người thầy, ta vẫn phải có trách nhiệm quan tâm đến tất cả các em. Có thể bằng nhiều cách, bất chợt hỏi một câu để “đánh thức” một em đang lơ đãng, hay đặt một câu hỏi để kiểm tra em tiếp thu chậm, hoặc hỏi cả lớp xem có nội dung nào chưa hiểu để giảng lại kỹ hơn…

Cần chuẩn bị kỹ, để có thể sẵn sàng giải đáp được các câu hỏi của HS đặt ra.

Tóm lại: Để dạy tốt, GV cần phải học, và tiếp tục học hoài để tích lũy kiến thức. Tất nhiên là phải bám vào nội dung chính của sách giáo khoa.

Cần sự hợp tác tích cực của thầy và trò

Trên lớp, người thầy phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy để HS hiểu và tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.  Hay nói đúng hơn phải có những “chiêu thức” khác nhau để tạo niềm hứng khởi đối với HS. Ví dụ, bắt đầu một tiết dạy, thay vì nêu câu hỏi trả bài thông thường, GV có thể thay thế bằng một tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày để dẫn dắt các em vào bài học.  Trong một lớp học có nhiều HS với trình độ khác nhau, vì thế chúng ta phải có một sự phân công hợp lí trong những hoạt động học tập. Hay nói đúng hơn là người thầy phải hiểu được học trò mình để giúp các em có được niềm hứng thú trong học tập cho dù các em là HS giỏi hay trung bình, yếu, kém. Bằng những thủ thuật khác nhau trong các hoạt động giảng dạy, người thầy sẽ tạo cho học trò mình một môi trường học tập thuận lợi để từ đó các em có được một động cơ tốt hơn qua từng tiết học.

Sự hợp tác tích cực giữa thầy và trò sẽ là một yếu tố quan trọng trong tiết dạy. Chúng ta đừng quan niệm rằng HS chỉ là một người học mà phải xem các em là một “đối tác” trong các hoạt động giáo dục. Cũng như trong kinh doanh, trong giáo dục cũng thế, người thầy phải làm thế nào để cho “đối tác” thấy được lợi ích của mình thì sẽ thành công.